Khu công nghiệp Năm Căn có quy mô diện tích 515 ha (bao gồm cảng Năm Căn), đã thực hiện quy hoạch chi tiết giai đoạn I là 223 ha, giao cho Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Cà Mau (thuộc tập đoàn Vinashine) làm chủ đầu tư, sau đó đã bàn giao lại cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline). Hiện nay, có 02 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư là Nhà máy đóng tàu và Cảng Năm Căn, với tổng vốn đăng ký là 880 tỷ đồng.
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Năm Căn
Theo báo cáo của UBND huyện Năm Căn, do khó khăn về kinh tế, Nhà máy đóng tàu đã ngưng hoạt động làm ảnh hưởng đến cuộc sống của đội ngũ công nhân kỹ thuật đã được đào tạo, đang làm việc tại nhà máy. Đối với Cảng Năm Căn cũng hoạt động không hiệu quả do cửa biển Bồ Đề quá cạn, không đảm bảo cho tàu có trọng tải lớn ra vào an toàn và liên tục. Hiện nay, Cảng Năm Căn được thuê chủ yếu để vận chuyển vật liệu xây dựng, tạo nguồn thu để đảm bảo đời sống của cán bộ, công nhân viên Cảng, chờ Tổng Công ty hàng hải Việt Nam tái cơ cấu hoạt động của Công ty.
Khu công nghiệp Sông Đốc nằm 02 bên bờ sông Ông Đốc, được quy hoạch với diện tích 266 ha, có 04 cụm công nghiệp, đang triển khai thực hiện tại cụm công nghiệp số 1, số 3 với quy mô 117 ha. Hiện nay, có 06 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, với tổng nguồn vốn đăng ký là 269 tỷ đồng, trong đó, có 01 Dự án Nhà máy xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp Sông Đốc giai đoạn I, công suất 2.000m3/ngày đêm đang được triển khai thực hiện.
Cảng Năm Căn chủ yếu được thuê để vận chuyển vật liệu xây dựng
Qua khảo sát thực tế cho thấy, Khu công nghiệp Sông Đốc có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, có tiềm năng lợi thế; được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và địa phương nên tiến độ triển khai quy hoạch được thực hiện nhanh, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân. Mặt khác, đô thị Sông Đốc với tiềm năng kinh tế biển phát triển, là một trong ba đô thị động lực phát triển của tỉnh nên nhiều nhà đầu tư quan tâm và có ý định đầu tư với quy mô lớn tại khu vực này. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn hạn chế; chưa có khu tái định cư để thực hiện giải phóng mặt bằng; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc…
Phát biểu tại các buổi làm việc, ông Chung Tấn Hướng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị các địa phương cần tích cực quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành chức năng của tỉnh hoàn thành các bước quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư vào các Khu công nghiệp. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của địa phương, Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ làm việc với các ngành chức năng của tỉnh, đề xuất với UBND tỉnh một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho Khu công nghiệp Năm Căn và Sông Đốc.
Minh Đương